RƯỢU VANG MINH NGUYỆT
0912.655.199
24 ngõ 81 đường Lâm Du - Long Biên - Hà Nội
Danh mục chính
Thông tin khách hàng

Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiếu - Rượu cùng tri kỷ ngàn ly thiếu.

Cụ thể: Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiếu./ Thoại bất đầu cơ bán cú đa. Dịch nghĩa: Rượu cùng tri kỷ ngàn ly thiếu./ Uống với người dưng mấy ly thừa.


Khi gặp bạn hiền gặp tri kỷ, ta chỉ muốn uống mãi với người đó cho thỏa sức đam mê cho thỏa lòng mong đợi vì mấy khi mà có được những giây phút trải lòng như vậy, cũng có thể là mới gặp hoặc đã quen lâu lắm rồi, dù tửu lượng bạn cao hay yếu điều đó không quan trọng chỉ cần cảm thấy dường như ngàn ly vẫn còn thiếu...

Câu thơ tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu được trích trong tác phẩm Xuân Nhật Tây Hồ Ký Tạ Pháp - Âu Dương Tu. Đây là câu thơ được sử dụng rất nhiều trong phim kiếm hiệp trung hoa và trên bàn nhậu.

Nguyên văn của vài thơ này:
Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu,
Thoại bất đầu cơ bán cú đa.
Dao tri hồ thượng nhất tôn tửu, 
Năng ức thiên nhai vạn lý nhân.

Dịch bài thơ trên:
Uống rượu mà gặp bạn hiểu mình thì ngàn chén cũng còn ít
Nói chuyện mà không hợp nhau thì nửa câu cũng đã nhiều
Mới biết ở trên hồ nâng một chén rượu
Hay nhớ đến người đi vạn dặm nơi chân trời xa xôi

Ở đời, tìm được một tri kỷ có thể thấu hiểu mình chính là niềm vui lớn nhất. Giữa chốn hồng trần bon chen lầm lũi này, có được một tri âm cùng chia sớt ngọt ngào, san sẻ niềm đau thực là quá khó. Mối lương duyên của con người ta không phải chỉ trong một đời này mà đã được Tạo hoá an bài từ muôn nghìn ức kiếp trước. Một mối duyên như thế chẳng đáng để trân quý hay sao? Vì vậy, hãy luôn nâng niu, gìn giữ người tri kỷ của mình. Họ mới chính là bến đỗ bình yên, là nơi neo đậu tâm hồn cho bạn giữa chốn trần ai này.

Nhiều người mải miết kiếm tìm sự thoải mái trong những thứ vật chất, bạc tiền và cho đó đã là cảnh giới hạnh phúc. Nhưng rồi năm tháng trôi đi, ngoảnh đầu nhìn lại, người ta chỉ thấy cõi lòng mênh mang trống vắng. Thử hỏi trên đời này niềm vui lớn nhất là gì, hạnh phúc đích thực là chi nếu không thể tìm nổi một người thấu hiểu mình, một niềm tri kỷ?

Kết bạn khắp thiên hạ, tri kỷ hỏi mấy người?

Cuộc sống ban tặng cho bạn thật nhiều điều, những thứ quan trọng nhất lại thường là miễn phí: sinh mệnh, không khí và bè bạn. Có người từng nói: “Trong bạn, tôi tìm thấy một nửa bản thân tôi”. Người không có bè bạn chẳng khác nào một mảnh đất cằn cỗi, khô hạn, hoa trái chẳng thể nào mọc lên.

Tình bạn giống như những cơn mưa mùa hạ mát mẻ của thời thơ ấu, gạt bỏ nỗi buồn và xoa dịu trái tim đau thương. Ngày thơ bé, hãy nhớ lại chúng ta đã từng háo hức mình trần tắm mưa thích thú thế nào. Tình bạn cũng vậy, có khi bồng bột và mến thương nhưng cũng có lúc thâm trầm, sâu lắng.

Trong cõi nhân sinh này, có thể tìm được một người thấu hiểu, biết rõ mình thích gì, muốn gì, mang đến cảm giác gần gũi, bình yên mỗi lúc ở bên chẳng phải là một niềm vui bất tuyệt sao? Cần chi phải bầu bạn cùng kẻ sang giàu, quyền cao chức trọng, cần chi phải kết thân với người hoàn hảo, tốt đẹp mười phần, chỉ cần một người biết lắng nghe, biết cảm thông, có thể nghe được nỗi niềm sâu thẳm và nhìn thấy mọi tâm tư trong lòng ta. Thiết nghĩ như thế cũng là quá mãn nguyện vậy.

Người xưa viết: “Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu. Thoại bất đầu cơ bán cú đa” (nghĩa là: Rượu gặp bạn hiền nghìn chén còn ít. Nói chuyện chẳng hợp nhau nửa câu cũng là nhiều). Thế mới hay, nhân loại từ lúc sinh ra đã biết quý trọng tình bạn thế nào. Những tình bạn tri kỷ xưa nay đều không hề hiếm.

Rượu ngon mời tri kỷ: https://ruouvangminhnguyet.vn/ruou-vang/

Bá Nha – Tử Kỳ vì một tiếng đàn mà thành bạn tâm giao. Tử Kỳ chết đi rồi, Bá Nha cũng đập vỡ đàn, quyết không chơi nhạc nữa vì trên đời đã thiếu “tri âm”. Đỗ Phủ – Lý Bạch gặp gỡ ở Lạc Dương, vì mến tài nhau mà kết làm bạn vong niên. Sau này khi kẻ nam, người bắc, không còn được tương ngộ nữa, Đỗ Phủ làm cả mấy chùm thơ nhớ bạn truyền đến ngày nay đã hơn nghìn năm. Trong bài “Xuân nhật ức Lý Bạch”, ông viết:

“Vị bắc xuân thiên thụ
Giang Đông nhật mộ vân
Hà thời nhất tôn tửu
Trùng dữ tế luân văn”

Tạm dịch nghĩa: Tôi đang ngắm hàng cây mùa xuân bên bờ bắc sông Vị. Còn bạn thì đang ở trong bóng mây chiều Giang Đông. Biết bao giờ mới lại được gặp nhau cùng nâng chén rượu và bàn luận chuyện văn chương?

Bạn có từng nghe chuyện Lưu Bình – Dương Lễ? Hai người vốn bạn tâm giao, kết thân từ thuở nhỏ. Dương Lễ nhà nghèo, chăm học, thi đỗ làm quan còn Lưu Bình nhà giàu, mải chơi, công danh lỡ làng. Dương Lễ vì thương bạn mà thậm chí đã cho cả người thiếp yêu của mình là Châu Long đến hầu hạ, động viên Lưu Bình đèn sách, dùi mài sử kinh.



Người tri kỷ có thể nhìn thấu bạn nhưng ở bên cạnh họ bạn rất an toàn, có cảm giác được chở che, bảo vệ. Người tri kỷ đôi khi làm bạn mếch lòng vì những lời nói thẳng nhưng trong những lúc hiểm nghèo họ luôn là người dang tay cứu vớt bạn đầu tiên. Khi vui họ cùng hân hoan, khi buồn họ lại cùng chia sớt.

Phật gia giảng hết thảy những người ta gặp trong đời này đều là nhân duyên từ kiếp trước. Nói như vậy, có được một người tri kỷ chẳng biết ta đã phải tu từ bao nhiêu ức kiếp rồi? Duyên phận đó quả là không dễ gì mà có được. Chẳng phải ta càng nên trân quý hay sao?

"Tri kỷ cũng là người hiểu bạn nhất, thấu tỏ nỗi lòng của bạn đôi khi hơn cả chính bạn. Nhưng tình yêu của họ là không lời. Họ có thể ngồi cạnh bạn hàng giờ đồng hồ và chỉ im lặng nghe bạn thở than, trút bầu tâm sự. Một nụ cười của họ là khiến vạn nỗi buồn trong ta tan như mây khói. Người như thế mới thực là yêu thương bạn nhất."

Một người bạn tốt cũng là người giúp ta hoàn thiện chính mình. Họ là mảnh ghép còn thiếu của trái tim ta, cho ta hiểu giá trị của cuộc đời không chỉ là kiếm được bao nhiêu tiền, làm quan tước cao ra sao. Có người nói: “Một người bạn cũng giống như ngôi sao bắc đẩu, bạn trông vào họ khi bạn lạc đường”.

Tri kỷ của bạn sẽ luôn ở cạnh, không bao giờ rời xa bạn kể cả thời gian, không gian có chia cách hai người đến mức nào. Dẫu là trời nam đất bắc, góc bể chân mây, bất cứ khi nào bạn cần, trái tim của họ cũng luôn hướng về chung một nhịp. Họ thường không bao giờ để bạn biết được sự quan tâm của mình, luôn âm thầm che chở, đi cạnh đời bạn. Họ sẵn sàng lấy thân mình mà gánh chịu tổn thương cho bạn. Tình cảm chân thành, nồng ấm, lặng lẽ, âm thầm ấy đúng là thứ tình yêu cao thượng nhất.

Lúc nhỏ nghe hát cải lương bài Tống tửu Đơn Hùng Tín tới câu “Chén rượu năm xưa kết tình bạn hữu, còn ly rượu ngày nay dứt nghĩa kim bằng” rất có ấn tượng nhưng không hiểu, lúc hơi lớn đọc Thuyết Đường mới biết đó là chén rượu của bọn anh em trên Trại Ngõa Cương cũ mời Đơn Hùng Tín trước khi Tín bị xử chém tại pháp trường của chính quyền Lý Đường, vừa hâm mộ vừa cảm khái. Gặp buổi loạn ly, kẻ hào kiệt không những phải bước lên con đường của mình mà còn phải đi hết con đường của mình, cho dù vì thế mà mang tiếng hữu thủy vô chung cũng khó có thể mà làm khác được. Kế đọc Tam quốc diễn nghĩa tới đoạn Tào Tháo uống rượu luận anh hùng, mới hiểu thêm rằng kẻ anh hùng phải như Lưu Bị thâm trầm kín đáo, thậm chí còn sợ người ta biết mình, chứ vỗ ngực bước ra mời rượu người bạn cũ tử tội như bọn Trình Giảo Kim thì chỉ đáng gọi là bậc hảo hán mà thôi. Từ đó với rượu phát sinh tình cảm vừa thích vửa sợ, nên khi lớn lên cứ gặp văn chương viết về rượu có ý lạ như hai câu thơ trên đây là cố ghi nhớ ngay, mà uống rượu với người ta thì hay thầm đánh giá xem đương sự uống được bao nhiêu chén thì thấy còn ít, cũng thường nghĩ lại xem mình có nói nửa câu nào khiến đối phương thấy quá nhiều không.



Ờ, con người có kẻ rượu vào thì khó còn là chính mình, nhưng có kẻ rượu vào mới là chính mình đấy. Đại khái người ta về tâm trí có sâu có cạn, về sức rượu có mạnh có yếu, người tâm trí cạn mà sức rượu yếu thì uống nhiều dễ loạn tính, người tâm trí sâu mà sức rượu mạnh thì uống nhiều dễ lộ tình. Cho nên người nói ra câu Rượu gặp tri âm ngàn chén ít chắc chắn phải là kẻ tâm trí sâu mà tửu lượng cao, mà vụ Lời không hợp ý nửa câu nhiều cũng giới hạn ở những lời trong bàn rượu thôi. Có điều dù loạn tính hay lộ tình thì rượu cũng làm người ta ít nhiều khác với lúc bình thời, thế nào cũng có lời đồn đãi này khác… Tới đây lại sực nhớ câu nói cửa miệng của một gã bạn tính tình bá láp “Phàm người ta tửu lượng càng cao thì uy tín càng thấp, điều đó cũng không có gì là lạ”, không những bá láp mà còn không chính xác chỗ hai chữ tửu lượng.

Nhiều người vẫn hiểu tửu lượng đơn thuần là sức (chứa) rượu, như kẻ uống một lít mới say là có tửu lượng cao hơn kẻ mới uống nửa lít đã say. Xin thưa, các vị lầm tuốt. Bởi nếu hiểu như thế thì hóa ra bọn người uống rượu chỉ như một mớ chai vò chĩnh hũ, cái nào chứa được nhiều hơn là có sức chứa cao hơn sao? Bản nhân mà có tiền sẽ nuôi một con voi tập cho uống rượu để chứng minh nó có tửu lượng cao, uống được năm bảy lít đế Gò Đen loại đặc chủng mà không hề ói mửa hay buồn ngủ cho các vị xem. Tửu lượng là độ lượng lúc uống rượu, hay nói thật chính xác là khả năng làm người trong thế giới alcool. Cho nên hiểu tửu lượng là sức chứa cũng có lý do, nhưng phải hiểu rằng từ này chủ yếu là nói về sức chịu.

Từ tiêu chuẩn sức chịu đựng rượu mà bàn thì con người có ba loại: loại cơ thể yếu hơn thần kinh, loại cơ thể mạnh hơn thần kinh, loại cơ thể mạnh yếu ngang thần kinh. Ví dụ người uống một hồi đầu óc vẫn tỉnh táo nhưng cơ thể chịu không nổi, đang cười nói leo lẻo đột nhiên gục xuống như bị đốn, tỉnh dậy còn nhớ tới từng chi tiết trước khi gục, thì đó là loại cơ thể yếu hơn thần kinh, còn người uống một hồi đầu óc ngu rồi nhưng cơ thể vẫn còn chịu được, cười khóc chửi mắng ca hát đi lại trông rất bình thường nhưng hoàn toàn không biết mình làm gì, tóm lại là tuột thắng rồi, thì đó là loại cơ thể mạnh hơn thần kinh. Cứ theo thiển ý thì loại cơ thể mạnh yếu ngang thần kinh là có tửu lượng hạng nhất, nếu không có vấn đề về sức khỏe thì cứ uống thoải mái, loại cơ thể yếu hơn thần kinh là có tửu lượng hạng hai, biết uống rượu nên còn có thể uống, còn loại cơ thể mạnh hơn thần kinh là có tửu lượng hạng ba, nếu không muốn bị người trong Làng say đuổi ra thì đừng vào, tóm lại đừng uống là nên.

Câu Rượu gặp tri âm ngàn chén ít là dành cho các nhân vật hạng nhất trong những người có tửu lượng hạng nhất đấy!

Tin tức liên quan